Full width home advertisement

Tin tức

Xem ngày cưới

Post Page Advertisement [Top]



Từ trước tới nay chuyện đám cưới đám hỏi luôn là việc lớn trong cả một đời người. Nhưng để cặp uyên ương chung sống hạnh phúc đến đầu bạc răng long thì các bạn phải nhớ và thực hiện một số điều kiêng kỵ tránh sai sót.

Xã hội phát triển dần dần bỏ đi một số tín ngưỡng và các bạn trẻ cho rằng chuyện hôn nhân hạnh phúc là do 2 vợ chồng quyết định yêu nhau rồi mới cưới được nhau chứ không phải kiêng kỵ điều gì. Và cho rằng việc xem ngày tín ngưỡng của người Việt trong đám cưới là lạc hậu, mê tín.

Tuy nhiên xem ngày cưới và tránh những điềm kiêng kỵ là điều thường thấy trước khi một gia đình nào chuẩn bị làm đám cưới.Xem ngày tốt để cưới đã trở thành truyền thống cho mọi gia đình Việt. Tuy nhiên không nên mù quáng nghe theo mà nên lựa những điều hợp lý với thời đại mà thực hiện nhé.

Kiêng kỵ chọn ngày xấu làm đám cưới
Kiêng kỵ chọn ngày xấu làm đám cưới

Ngày giờ đẹp

Người Việt rất kiêng kỵ chọn ngày và kén giờ làm lễ chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu. Ngày nay các cặp đôi đều coi trọng việc này để cử hành hôn lễ. Ngoài hợp mạng, hợp tuổi còn chọn ngày cưới vào ngày Hoàng đạo, tránh những ngày Hắc đạo, Tam tai, Sát chủ, ngày Rằm… Quan niệm làm đám cưới vào ngày đẹp thì cuộc sống sau này sẽ yên ả, thuận lợi. Vì vậy nhà nào cũng nhờ xem kỹ giờ, ngày, tháng, năm cho tốt và hợp tuổi cho hai vợ chồng để sau này gặp nhiều may mắn, hạnh phúc, ăn nên làm ra.

Theo các thầy tử vi, cưới hỏi vào ngày có sao Cô thần, Quả Tú, Không phòng, cô dâu sẽ cô quạnh, hiếm con...

Chọn được ngày đẹp đón dâu, còn phải chọn giờ Hoàng đạo để chú rể xuất phát.

Tới nhà cô dâu cũng phải giờ Hoàng đạo mới được vào đón dâu. Đón xong về đến nhà chú rể lại phải chờ giờ Hoàng đạo mới được vào nhà.

Đặc biệt kiêng kỵ cưới vào năm cô dâu ở tuổi kim lâu – tuổi có số đuôi là 1, 3, 6, 8 để tránh những rủi ro (như hôn nhân tan vỡ, con cái hiếm muộn, khó nuôi…).

Ngoài ra tháng 7 Âm lịch, với tích Ngưu Lang Chức Nữ chia ly, cộng với thời tiết mưa bão nên dù trong tháng có ngày hoàng đạo cũng nên kiêng cữ.

- Lúc cô dâu theo chồng về nhà trai phải đi thẳng về phía trước, không được ngoái lại nhìn hay có vẻ quyến luyến nhà mình. Dân gian cho rằng, đi theo chồng mà ngoảnh đầu nhìn lại nhà cha mẹ thì cô dâu đó sẽ khó dạy bảo, sau này cũng không chu đáo việc nhà chồng.

- Mẹ đẻ không nên đưa con gái về nhà chồng, bởi theo người xưa khi hai mẹ con xa nhau thường quyến luyến ôm nhau khóc. Nước mắt biệt ly e sẽ không lành, do đó kiêng mẹ đẻ tiễn con gái về nhà chồng.

Nhưng ngày nay trong lễ cưới nhiều cô dâu bước chân ra khỏi nhà mẹ đẻ vẫn bật khóc nức nở mà… không hiểu vì sao. Còn nhiều gia đình quán triệt chỉ có bố cô dâu, họ hàng thân cận, các vị cao lão mới được đưa cô dâu về nhà chồng.
- Nhiều nhà còn thực hiện đến nhà gái đón dâu phải đi một đường, còn đón cô dâu về theo một đường khác để tránh những điều không may sẽ theo về nhà.
- Xưa cô dâu đang mang bầu khi về nhà chồng không được đi vào từ cửa chính, mà phải đi vòng ra cửa sau để vào (người xưa cho là cô dâu có bầu mà đi cửa trước sẽ làm nhà trai sau này làm ăn không may mắn).
- Kiêng mẹ chồng đứng ở cửa đón con dâu, điều này lý giải là để cô dâu không đòi bỏ về nhà theo mẹ đẻ, và mẹ chồng nàng dâu không xung khắc sau này.

Khi đoàn rước dâu về, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi (bình vôi là biểu hiện tiền của, quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế). Ngày nay khôgn có bình vôi, mẹ chồng cầm chùm chìa khóa thay thế. Khi hai họ đã yên vị được một lúc, mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào, cảm ơn hai họ.

Ai không nên đến đám cưới?

Ai cũng muốn dành những điều tốt nhất cho cặp vợ chồng trẻ, tránh dớp không lành, vì vậy dân gian kiêng những người sau không nên đi đón dâu:

- Những người gia đình không hạnh phúc, hay cãi vã, những người cuộc sống không thuận, những người đứt gánh giữa đường (chỉ còn vợ, hoặc chồng), những người lấy nhau xong mãi không có con, hiếm muộn… không nên đi đón dâu.

- Người đang có tang không được dự đám cưới để tránh đen đủi, vận hạn đến cho gia chủ.

- Bà bầu không nên tới đám cưới. Nhưng hiện nay, dường như chuyện bà bầu đi đám cưới đã là chuyện bình thường.

Trong hôn lễ

- Có quan niệm cho rằng nhẫn cưới phải là nhẫn trơn và hai người không được đeo trước khi hôn lễ diễn ra.

- Ở miền Bắc chú rể rót rượu sâm panh, cô dâu cắt bánh cưới. Nhưng ở miền Trung thực hiện hai việc này là chú rể - thể hiện quyền làm chủ gia đình của người đàn ông, như vậy gia đình mới hạnh phúc, không bị xáo trộn.

Chọn ngày đẹp để làm đám cưới
Chọn ngày đẹp để làm đám cưới

Phòng tân hôn

Phòng tân hôn là nơi quan trọng để hai vợ chồng bắt đầu một cuộc sống mới cần:

- Giường tân hôn cần mua giường mới (không nên dùng giường cũ).

- Người trải chiếu hoa cho giường tân hôn phải nhờ người tốt vận (một phụ nữ trung niên, có gia đình ấm êm hạnh phúc, có đủ con trai, con gái) trải chiếu hoa giúp, như thế thì mới mong sinh con khỏe mạnh, dễ nuôi.

- Phòng tân hôn kỵ đặt một số đồ vật như: Trong phòng không đặt đồ bị hỏng, rượu vang, thực vật có gai (xương rồng), búp bê trang trí, vật dụng cũ, vật kỷ niệm của người cũ, hình ảnh của người khác, các loại vũ khí, vật sắc nhọn… vì sợ ảnh hưởng đến hòa khí của hai vợ chồng.

Xét theo phong thủy thì nó tạo khí âm, không tốt cho việc khởi đầu một cuộc sống mới.

- Người “vía nặng”, phụ nữ góa chồng, người tứ nhãn (chỉ phụ nữ mang thai), người có hôn nhân tan vỡ, người hiếm muộn con cái, người có tang… không được vào phòng tân hôn để tránh điều bất lợi, không may cho đôi vợ chồng mới.

- Kiêng kỵ cho người khác ngồi trên giường tân hôn.

Còn rất nhiều kiêng kỵ nữa, nhưng có thể để ý kiêng trong ngày cưới tránh làm đổ, vỡ đồ đạc vì là điềm không tốt cho đôi trẻ, kỵ nhất là vỡ gương, vỡ ly cốc hay gãy đũa (nếu xảy ra thì đôi vợ chồng sẽ bất hòa, đổ vỡ, chia ly nên phải làm lễ giải hạn).

Khi đón dâu đi qua các cây cầu, ngã 3 ngã 5, ngã 7 cô dâu phải vứt gạo muối, tiền lẻ xuống. Phong tục này hàm ý, đoạn đường sắp tới của đôi uyên ương sẽ luôn suôn sẻ, giàu sang...

Nguồn: 2sao.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bottom Ad [Post Page]

| Designed by tu vi